Lượt xem: 2228

Phòng, chống thông tin xấu, độc và quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin

Bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, Hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước, đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”; ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, xây dựng sự thống nhất về tư tưởng và đồng thuận trong xã hội là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Do đó, việc làm trong sạch môi trường thông tin trên không gian mạng, đưa ra những luận cứ xác đáng nhằm phê phán quan điểm sai trái cho rằng Việt Nam không có tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc và là điều cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

 


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp báo sau Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh TTXVN)

 

    Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ về khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, cùng với đó là những khó khăn thách thức do tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, những vấn đề phức tạp về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia, đặc biệt là trên biển Đông và tình hình COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, có thể còn kéo dài; trước những vấn đề khó khăn và phức tạp đó, các thế lực thù địch, những kẻ xấu lợi dụng vấn đề “dân chủ, “nhân quyền”, “tự do ngôn luận, báo chí...” tuyên truyền xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông qua việc đưa lên mạng internet những thông tin sai sự thật, bịa đặt, vu khống, xấu, độc hại hòng làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, mỗi chúng ta cần phải nhận thức đúng các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, từ đó có luận cứ xác đáng phê phán các quan điểm sai trái đó trên các phương tiện thông tin đại chúng.

    Một, vấn đề thông tin xấu, độc. Trước hết, về nội dung các thông tin xấu, độc thường tập trung trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị. Những thông tin nhằm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn liền với đó là sự xuyên tạc, bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam, họ cho rằng: Hệ tư tưởng của Đảng và xã hội ta lạc hậu, lỗi thời, Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức tự phong... Đường lối chính trị, kinh tế (trong văn kiện Đại hội XII và các hội nghị Trung ương) là “sai lầm”, “lạc hậu”; họ vu khống, tuyên tuyền rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không có năng lực lãnh đạo cách mạng, không có khả năng đem lại cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc, tôn giáo; Nhà nước Việt Nam là “Nhà nước độc tài”, “vi phạm quyền con người” là “vi phạm các chuẩn mực nhân quyền quốc tế”, là “bóp nghẹt tự do ngôn luận, báo chí, internet”... Vấn đề xác định nguồn tin có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhiệm vụ phòng, chống thông tin xấu, độc. Chủ thể của các nguồn tin xấu độc là các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước liên kết nhau để đưa ra những luận điệu chống phá Đảng, Nhà nước ta. Tiếp đó là các hãng thông tấn báo chí lớn, những hãng này vừa là “kênh” vừa là “nguồn” phát tán thông tin xấu, độc về tư tưởng, chính trị, như RFA, VOA, BBC,... đặc biệt là kênh youtube đăng tải nhiều thông tin xấu, độc thu hút số lượng lớn người xem. Trên mạng, là những tổ chức xã hội mạng (tổ chức ảo) và những cá nhân với những tài khoản chỉ tồn tại trên mạng, thường xuyên đưa tin chống phá chế độ và Nhà nước ta, như trang “Dân làm báo”, “Thông luận”, Việt Nam thời báo”... Hằng ngày, hàng chục trang mạng với hàng trăm thông tin xấu, độc được tán phát. Chính vì thế, chúng ta cần làm rõ mối quan hệ giữa phòng, chống thông tin xấu, độc với việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin như thế nào.

    Theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, thông tin xấu, độc là hành vi: “Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: Chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mẫu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân....". Từ đó, có thể hiểu thông tin xấu, độc trên mạng internet là những thông tin không có thật, những thông tin bị bóp méo, lẫn lộn đúng-sai, thật-giả hoặc những thông tin có phần sự thật nhưng được biên tập lại với dụng ý xấu bằng nhiều thủ đoạn như đưa ra những bình luận nhằm định hướng dư luận bôi đen chế độ, tuyên truyền, cổ vũ cho hành vi chống phá Nhà nước ta.

    Hai, về vấn đề tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin. Các thủ đoạn hiện nay tuy không mới nhưng thâm độc như xuyên tạc khái niệm tự do báo chí, vấn đề đã có những tổ chức báo chí và cá nhân cho rằng: Việt Nam “không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin”, “Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin”, họ vu cáo Nhà nước ta vi phạm “tự do báo chí”. Khi trích dẫn các quy định về luật pháp quốc tế và của Việt Nam về tự do báo chí, họ cố tình bỏ qua những quy định và điều khoản nghĩa vụ kèm theo rồi phát tán lên mạng xã hội làm cho nhiều người hiểu lầm rằng “tự do báo chí” là một quyền tuyệt đối, không có bất cứ một hạn chế nào. Ngoài ra, lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí, một số phần tử đã thành lập các diễn đàn trên mạng xã hội để lôi kéo các phần tử chống đối, tập hợp lực lượng chống Đảng và Nhà nước ta.

    Chúng ta khẳng định rằng, quyền con người, quyền công dân trên lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được Nhà nước ta bảo đảm bằng pháp luật, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và thông lệ quốc tế. Quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin là một quyền cơ bản của quyền con người, của mọi công dân. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”[1]. Để đảm bảo quyền tự do ngôn luận, báo chí và quyền hưởng thụ thông tin của mọi công dân được thực thi trong cuộc sống theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hoàn toàn tương thích về mặt luật định đối với các văn kiện quốc tế về quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Cụ thể:

    Luật Báo chí 2016 quy định báo chí có nhiệm vụ “thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới, phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân. Các cơ quan nhà nước phải chủ động thông tin cho báo chí. Đồng thời, Nhà nước còn có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo của các cơ quan báo chí và cán bộ quản lý báo chí”. Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận báo chí của công dân bao gồm: Quyền sáng tác tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp ý, phê phán, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức cá nhân khác. Nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, báo chí cũng được Luật Báo chí 2016 quy định: Không được đăng phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung như: “Xuyên tạc, phủ nhận chính quyền nhân dân”; “Bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”;... xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc”; thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”[2]

    Luật tiếp cận thông tin 2016 quy định: Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác. “Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”[3]. Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin không phải do cơ quan, tổ chức quyết định mà quy định bằng pháp luật.

    Liên quan đến quyền tự do ngôn luận, báo chí trên internet, Nghị định 72/2013/NĐ-CP, quy định quyền và nghĩa vụ của người sư dụng internet, mạng xã hội: Được sử dụng các dịch vụ trên internet trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật; tuân thủ thời gian hoạt động của điểm truy cập internet công cộng; không được kinh doanh lại các dịch vụ internet dưới bất kì hình thức nào; tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin....[4].

    Có thể khẳng định, cho đến nay văn bản pháp luật về tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin của Nhà nước ta cơ bản đầy đủ, đồng bộ từ Hiến pháp, luật, đến nghị định. Những quy định này tương thích với Luật quốc tế về quyền con người.

    Nhận rõ các quan điểm sai trái cho rằng Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin và đưa ra các luận cứ khoa học để phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thông tin xấu độc là việc làm cần thiết và rất có ý nghĩa. Bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin phải xóa bỏ tận gốc nguồn thông tin xấu, độc đồng thời phải cung cấp thông tin chân thực, đúng đắn, kịp thời cho xã hội, bảo đảm cho món ăn tinh thần của người dân sạch hơn, an toàn hơn.

Lý Rotha



[1] Điều 25, chương II Hiến pháp 2013 “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”

[2] Điều 9, Luật Báo chí “Các hành vi bị nghiêm cấm”

[3] Điều 3, Luật tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13

[4] Điều 11, chương II, Nghị định 72/2013/NĐ-CP, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng internet



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 62
  • Hôm nay: 6750
  • Trong tuần: 77,457
  • Tất cả: 11,800,777